Trước tác Ngu Doãn Văn

Văn chương

Tản văn của Doãn Văn chủ yếu dùng làm tấu sớ. Trong trận Thái Thạch, ông sáng tác Giang thượng quân sự đệ nhất tráp tử, Giang thượng quân sự đệ nhị tráp tử, Giang thượng quân sự đệ tam tráp tử, Tấu hoàn Uông Ứng Thần Tri Cù Châu từ đầu sớ, thể hiện đảm lược trung dũng; Trương Thì Thái (đời Minh) sánh Doãn Văn với Nhạc Phi, thật không quá lời. Lần đi Tứ Xuyên thứ nhất, ông làm các tấu sớ: Luận dụng Ngô Lân dĩ đồ khôi phục sớ, Luận Củng Châu vị hạ khả ưu sớ, Luận doanh điền chi lợi tệ,… Năm Long Hưng đầu tiên (1163), Doãn Văn làm Luận kim nhật khả chiến chi cơ hữu 9 sớ nổi tiếng, phân tích thời cục thiên hạ, khuyên hoàng đế hết sức chuẩn bị nhân – vật lực, nắm bắt thời cơ thu phục Trung Nguyên. Lần đi Tứ Xuyên thứ 2, ông làm Luận minh lương giao cảm duy tín dữ thành sớ, Tạ tứ ngự thư hán thôi thực chính luận sớ, Luận Tây Thục thảo mộc chi yêu, thố trí thủy hạn đạo tặc chi bị sớ,…

Trước tác của Doãn Văn rất phong phú, Dương Vạn Lý - Ngu công thần đạo bi kể ông trọn đời hiếu học, "ăn cũng xem sách, làm văn nhanh gọn, không mất công đẽo gọt". Doãn Văn thường chú giải Đường thư, Ngũ đại sử, giữ ở trong nhà. Lại có Thi văn tập 10 quyển, Kinh diên Xuân Thu giảng nghĩa 3 quyển, Tấu nghị 22 quyển, Nội ngoại chí 15 quyển, lưu hành ở đời. Trông coi việc sửa chữa Tục hội yếu 300 quyển. Tống thi kỷ yếu chép lại 2 bài thơ, Tống đại thục văn tập chép lại 85 thiên văn chương của ông. Trước khi thành danh, Doãn Văn làm Biện điểu phú, thuật lại tâm tình của ông trong 7 năm chăm sóc cha sau khi mẹ mất, cho thấy tấm lòng chí hiếu chí nhân; làm Tru văn phú (phú Diệt muỗi), chủ trương trừ ác tận gốc, "không cho các thứ vô dụng, cái độc vô cùng ấy tồn tại ở đời".

Thư pháp

Ngô Khoan (nhà thư pháp đời Minh) bình luận rằng: "Thiếp viết tay của Ngu Trung Túc, từ ngữ tường nhã, khí tượng ung dung." Vương Thế Trinh (nhà bình luận đời Minh) nói: "Đình vân quán thiếp, quyển 6 [11] là thư pháp của danh thần Nam Tống, như vẻ nghiễm nhã của Ngu Ung công, đều có thể thấy rõ ràng." Bút tích của Doãn Văn lưu truyền ở đời có Thích tạo thiếp, Quân đường thiếp,…